Núi Thành Chiến Thắng Mỹ: Một Dấu Mốc Lịch Sử Quan Trọng
Chiến thắng Núi Thành – biểu tượng sáng ngời của tinh thần quyết đánh, quyết thắng
Ðầu năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị phá sản; trước nguy cơ sụp đổ của chế độ Sài Gòn, ngày 8-3-1965, Mỹ mạo hiểm đưa quân viễn chinh trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam nhằm xoay chuyển tình hình.
Trước đối tượng tác chiến mới có ưu thế về hỏa lực và trình độ tác chiến; Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 chỉ thị cho Tỉnh đội Quảng Nam nghiên cứu tổ chức trận đánh đầu tiên để hạ uy thế quân Mỹ, cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn khu. Chiến thắng Núi Thành trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần quyết đánh, quyết thắng, là “Trận đầu thắng Mỹ” của quân và dân ta.
Sau khi lữ đoàn 9, sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ của Mỹ đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng (8-3-1965), đánh dấu sự có mặt chính thức của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam; ngày 7-5-1965, Mỹ tiếp tục đưa một lực lượng thuộc sư đoàn 3 đổ bộ vào xã Kỳ Liên và Kỳ Hà (nay là xã Tam Nghĩa và Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam); quân và dân Khu 5 trở thành những người đi tiên phong trong cuộc đối đầu với quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Chu Lai ngày 7-5-1965. Ảnh: The Ohio State University
rước đối tượng tác chiến mới, có ưu thế về hỏa lực và trình độ tác chiến cao, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của quân và dân miền Nam, cũng như sự lo lắng của bạn bè quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Nhiều câu hỏi đặt ra: Ta có dám đánh Mỹ không? Đánh có thắng được Mỹ không? Đánh bằng cách nào?.
Trước những trăn trở trên, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng chủ trương: “Ghìm Mỹ trên chiến trường miền Nam, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ”; Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo toàn khu tích cực chuẩn bị mọi mặt chống âm mưu mới của địch, trong đó tập trung làm tốt công tác tư tưởng để quân và dân Khu 5 không chỉ dám đánh Mỹ mà còn biết cách đánh và thắng Mỹ. Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy; Bộ tư lệnh quân khu tổ chức lớp chỉnh huấn cán bộ trung cao cấp, bàn hai vấn đề mấu chốt cơ bản và khẩn trương nhất là: Đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam là chủ động hay bị động? Ta có đánh được và thắng được Mỹ không? và đi đến nhận định: Mỹ vào miền Nam là bị động. Ta đủ khả năng đánh thắng quân Mỹ. Tiếp đó, quân khu tổ chức hội nghị du kích chiến tranh bàn về xây dựng làng, xã chiến đấu và thành lập “vành đai diệt Mỹ” trên chiến trường Khu 5; đồng thời mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn LLVT quân khu xây dựng quyết tâm đánh Mỹ. Trên địa bàn quân khu đã có hàng nghìn quyết tâm thư thể hiện tinh thần dám hy sinh, dám đối mặt với quân thù; thề sống chết có nhau, đánh Mỹ đến cùng.
Phát huy tinh thần, khí thế đó, Khu ủy Khu 5 quyết định “Đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta và cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn khu”, đồng thời chọn chiến trường Quảng Nam để tổ chức trận đánh và giao Phòng Chính trị quân khu tổ chức đoàn cán bộ trực tiếp làm công tác chuẩn bị tinh thần, phát động tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho các đơn vị của Tỉnh đội Quảng Nam tham gia đánh địch. Thực tiễn đã chứng minh đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, quyết đoán, thể hiện tư duy lãnh đạo trước những tình huống khó khăn của Khu ủy Khu 5.
Thực hiện chỉ thị của Khu ủy Khu 5, sau thời gian nghiên cứu chuẩn bị, Tỉnh đội Quảng Nam quyết định chọn cứ điểm Núi Thành để tổ chức trận đánh và giao Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 được tăng cường Phân đội Đặc công V16 thực hiện. Cứ điểm Núi Thành là một khu đồi đá trọc thuộc xã Kỳ Liên, tại đây địch điều Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2, lực lượng 140 tên chốt giữ, hình thành hệ thống bảo vệ vòng ngoài phía tây bắc Chu Lai. Nơi đây, nằm trong thế bố phòng chung, có hệ thống hỏa lực mạnh chi viện, khi bị ta tiến công pháo binh địch ở Ao Vuông, Kỳ Hà-Dốc Sỏi chi viện trực tiếp, nhanh chóng; trực thăng ở sân bay Chu Lai, bộ binh ở Dốc Sỏi sẵn sàng ứng cứu. Điểm yếu của địch là mới hành quân đến Núi Thành, hệ thống công sự phòng ngự chưa thực sự vững chắc, đây chính là điều kiện thuận lợi để ta tiến công tiêu diệt địch; nếu sử dụng cách đánh gần thì sẽ hạn chế khả năng chi viện hỏa lực từ xa của địch.
Quá trình làm công tác chuẩn bị, đơn vị đã phát huy dân chủ quân sự, bàn bạc, thống nhất cao và hạ quyết tâm “Phải đánh thắng, diệt gọn đơn vị Mỹ dù phải thương vong một tỷ lệ cao hơn bình thường, nhất là trong trận đầu” và đưa ra khẩu hiệu “Không sợ, dám đánh, cứ đánh, sẽ tìm ra cách đánh”. Quá trình chuẩn bị đã hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, sử dụng cách đánh phù hợp sở trường, phát huy tối đa thế mạnh của ta trong tác chiến, đồng thời tìm cách hạn chế sức mạnh hỏa lực địch. Mặc khác, trong Đại đội 2 có nhiều đồng chí được sinh ra, lớn lên trên vùng đất Núi Thành nên rất quen thuộc địa hình và rất phấn khởi khi được trực tiếp cầm súng ra trận chiến đấu bảo vệ quê hương, chính điều này đã tiếp thêm động lực, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của đơn vị. Tại lễ xuất quân trước trận đánh, đồng chí Hoàng Minh Thắng, Chính trị viên Tỉnh đội thay mặt lãnh đạo, chỉ huy Tỉnh đội trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” cho Đại đội 2 để cắm lên đỉnh cứ điểm Núi Thành.
Ngày 25-5-1965, đơn vị bí mật cơ động áp sát mục tiêu; lúc 0 giờ 30 phút ngày 26-5, ta đồng loạt nổ súng. Sau gần 30 phút chiến đấu, đơn vị diệt gọn đại đội Mỹ đóng ở cứ điểm Núi Thành, làm chủ hoàn toàn trận địa; lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” tung bay trên đỉnh cứ điểm Núi Thành. Thắng lợi này khiến vành đai bảo vệ Chu Lai bị uy hiếp nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho lính viễn chinh Hoa Kỳ ngay trong những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam.
Trận chiến đấu Núi Thành, tuy không phải trận đánh tiêu diệt lớn nhưng thắng lợi đó có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng; là tiếng kèn xung trận, mở đầu và cũng là trận tiêu biểu nhất cho cao trào diệt Mỹ ở Khu 5, biểu hiện sinh động tư tưởng, tinh thần “dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và quyết đánh Mỹ” của cả dân tộc mà quân và dân Khu 5 là những người tiên phong nhận trách nhiệm, dám xả thân hy sinh để biểu thị tinh thần, quyết tâm đó. Từ Chiến thắng Núi Thành, ta đã giải quyết được tư tưởng sợ Mỹ, trả lời cho câu hỏi có đánh được Mỹ hay không? Giải quyết được vấn đề cơ bản về cách đánh, mở ra khả năng đánh và thắng Mỹ của quân và dân ta trên chiến trường; đồng thời mở đầu cho sự phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Sau Chiến thắng Núi Thành, quân và dân Khu 5 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”; Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng lá cờ “Lập công đầu, diệt gọn đơn vị chiến đấu Mỹ” và được Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Cũng sau chiến thắng này, trên chiến trường Khu 5 đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua diệt Mỹ như, thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, danh hiệu “Thiện xạ diệt Mỹ”, thi đua thực hiện tốt khẩu hiệu “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”.
Thắng lợi để lại bài học quý giá về cách đánh Mỹ, khoét sâu điểm yếu cốt tử của quân đội Mỹ là ỷ lại vào sự chi viện của xe tăng, pháo binh, không quân. Trong trận Núi Thành, Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo Đại đội 2 vận dụng cách đánh tập kích, sử dụng lực lượng bộ binh kết hợp với đặc công bí mật khắc phục vật cản, tiếp cận, áp sát mục tiêu hình thành thế bao vây, đánh gần diệt địch. Khi Núi Thành bị tiến công các trận địa pháo binh, xe tăng và lực lượng không quân Mỹ đóng quanh căn cứ Chu Lai đã không thể chi viện, hỗ trợ. Chính vì vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, đại đội thủy quân lục chiến tinh nhuệ đầu tiên của Hoa Kỳ, với quân số gấp đôi đã bị tiêu diệt.
Đánh giá trận Núi Thành, đồng chí Chu Huy Mân, Phó bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 (năm 1965) viết: “Mỹ vừa đặt chân lên đất Chu Lai, ta đã dùng lực lượng tại chỗ, một đại đội địa phương đánh phủ đầu bằng hình thức tập kích với yêu cầu chính trị là gây khí thế cho ta diệt Mỹ và hạ uy thế của chúng. Trận đánh đã kết thúc thắng lợi, ta đã diệt một đại đội thủy quân lục chiến trong điều kiện lực lượng ta không lớn, bộ đội địa phương chưa hiểu Mỹ ra sao, chưa có chuẩn bị chu đáo về kỹ thuật và chiến thuật đánh Mỹ, trận đánh chủ yếu lấy tinh thần chính trị để giải quyết nhưng cũng đã thắng lợi bước đầu”.
Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Núi Thành (25-5-1965 / 25-5-2020), là dịp chúng ta ôn lại “Trận đầu thắng Mỹ” để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 hôm nay trân trọng lịch sử, tiếp tục bồi dưỡng niềm tin, phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng; ra sức luyện giỏi, rèn nghiêm, SSCĐ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững chắc.
Nguồn tin: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-thang-nui-thanh-bieu-tuong-sang-ngoi-cua-tinh-than-quyet-danh-quyet-thang-618847
Có thể bạn quan tâm: