Cộng đồng cùng bảo tồn biển
Bảo tồn biển là quá trình tổng thể, dài hơi và kết quả từ nó tác động rất lớn đến hệ sinh thái tự nhiên lẫn xã hội từ đầu nguồn xuống biển. Ở Quảng Nam, công tác bảo tồn biển thu được nhiều tín hiệu tích cực bởi có sự chung tay của cộng đồng và mang lại lợi ích thực chất cho cư dân bản địa.
Các dự án bảo tồn chỉ “sống được” khi được cộng đồng đón nhận và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Công tác bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm trở thành “điểm sáng” vì đáp ứng được điều này.
Cộng đồng thay đổi và thụ hưởng
Một ngư dân trú thôn Bãi Làng kể, ở Cù Lao Chàm, từ lâu chúng tôi không còn đánh bắt bằng phương thức giã cào và xung điện. Nhưng với ngư dân ở địa phương khác họ lại khai thác thủy sản bằng bất cứ phương tiện gì họ có và hầu như gặp cái gì bắt cái nấy, bất kể lớn nhỏ. Họ lặn rất giỏi, có thể xuống đến tận 30 – 40m dưới đáy biển ở khu vực cấm thì còn gì tài nguyên.
Ông Phạm Văn Sang – trú thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp cùng nhiều người trong làng chỉ có ghe khai thác công suất trên dưới 7CV và đánh bắt theo mùa vụ ở khu vực quanh Cù Lao Chàm.
Ông Sang là một thành viên đồng hành tích cực với dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ” do Cơ quan Tài nguyên thủy sản Hàn Quốc (FIRA) tài trợ từ những ngày đầu dự án triển khai.
“Tôi làm nghề quanh khu vực thả rạn nhân tạo theo từng vụ và cung cấp thông tin về thủy hải sản đánh bắt được cho cơ quan quản lý. Không có con số cụ thể nhưng qua mắt thường thì nguồn lợi, chất lượng thủy hải sản khu vực đó khai thác được đợt sau tốt hơn rõ rệt so với hơn đợt trước” – ông Sang nói.
Một điều mà người dân địa phương tâm đắc là phía dự án hỗ trợ khá cầu thị. Đơn cử như các chuyên gia của dự án thả rạn nhân tạo ban đầu định thả rạn ở vùng nước sâu, có dòng chảy xiết nhưng qua tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư bản địa thì phía dự án đồng ý thả rạn nhân tạo nối tiếp theo khu vực rạn nguyên sinh (ở độ sâu khoảng 8-9 mét, gần Hòn Tai) và thực tế là đã cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Cái hay của dự án là không chỉ nhóm chuyên gia của dự án mà một số người dân ở Cù Lao Chàm hiện cũng thuần thục quy trình thả, cài đặt rạn nhân tạo. Nếu sắp tới dự án này mở rộng trên địa bàn tỉnh thì cư dân Cù Lao Chàm đủ năng lực để hỗ trợ triển khai”.
Liên kết bảo tồn
Hướng về cộng đồng vẫn là mục tiêu chính trong rất nhiều dự án do Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phụ trách. Cộng đồng tham gia rất nhiều hợp phần dự án như “Bảo tồn bãi đẻ của rùa biển”, “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, xây dựng phong trào không rác thải tại Việt Nam thông qua các thành trì ven biển”, Phát triển cộng đồng ven biển xanh và bền vững tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An (Blue communities)…
Trong năm 2022, có 12 dự án hợp tác đã và đang triển khai, là nguồn lực đáp ứng tương đối tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang tập trung hướng đến. Chính yếu vẫn là tác động đến cộng đồng, xây dựng cộng đồng thành chủ thể trong bảo tồn biển.
Cù Lao Chàm là một trong những địa bàn tiếp nhận dự án “Thiết lập các mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ tại Việt Nam” do Cơ quan Tài nguyên Thủy sản Hàn Quốc (FIRA) tài trợ. Dự án đã tiến hành thi công và thả 600 khối rạn nhân tạo tại khu vực Rạn Mành (550 khối) và bãi Xếp (50 khối) từ năm 2019 – 2022. Các trang thiết bị nghiên cứu, giám sát biển do FIRA hỗ trợ và bàn giao, kết hợp với hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng có trị giá gần 4,2 tỷ đồng phục vụ đắc lực cho công tác nâng cao năng lực nghiên cứu, tạo chiều sâu cho những hoạt động vệ tinh.
Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, có dự án đã có kết quả ngay, có dự án phải chờ đến 15 – 20 năm sau để chờ rùa biển quay về mới đánh giá tổng thể được. Điều đáng mừng là suốt trong thời gian dài tác động bởi dịch COVID-19 các dự án bảo tồn biển ở khu sinh quyển không bị đứt quãng bởi các đơn vị, tổ chức tài trợ cảm nhận rõ được sự chuyển động rõ nét và hiệu quả mang lại đến mọi chủ thể ở đây nên họ không muốn mất đi thành quả mà mọi người đã dày công gây dựng.
Khu vực cuối sông, đầu biển Quảng Nam có liên hệ, tác động mật thiết đến nhau. Bảo tồn, khai thác hài hòa tài nguyên, nguồn lợi ven bờ cũng là tiếp sức đề kháng cho hệ sinh thái biển.
Thẩm thấu chuyển đổi nhận thức
Tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) hiện có hệ sinh thái rừng ngập mặn giá trị đang được đề xuất thiết lập thành vũng lõi thứ 2 của khu sinh quyển thế giới. Việc bảo lưu được hệ thống tài nguyên tự nhiên ở đây cũng là vấn đề bức thiết, được quan tâm trong nhiều năm qua.
Dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng Dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng” được Quỹ môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ nhỏ (GEF-SGP) phê duyệt, do Hội LHPN xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) thực hiện nhằm phát huy tiềm năng đa dạng sinh học, các lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái rừng dừa nước là một điểm sáng trong công tác bảo tồn biển từ bờ.
Theo ông Triệu Văn Lực (GEF-SGP), trong quá trình thực hiện, dự án đã rất chú trọng đến tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các đối tác hưởng lợi, thông qua việc phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể, cơ quan bảo tồn biển và sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, phi chính phủ. Hình thức hoạt động cũng rất phong phú và đa dạng, như hội thảo, tập huấn, tham quan học tập, du lịch.
Dự án này đã tổ chức 22 lớp tập huấn, với hơn 1.500 lượt người tham gia thuộc cộng đồng dân cư trên địa bàn 6 thôn (Thanh Tam, Vạn Lăng, Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Võng Nhi) của xã Cẩm Thanh. Nội dung tuyên truyền về xây dựng kế hoạch quản lý; bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa; công tác bảo vệ môi trường, quản lý rác thải cộng đồng; thuyết minh viên cộng đồng; khai thác quản lý nguồn lợi thủy sản, các loại hình sinh kế.
Ngoài ra, tổ chức điều hành dự án tập trung nâng cao năng lực cho thành viên của Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh, tập huấn kiến thức cơ bản và kỹ năng cộng đồng tham gia hoạt động du lịch, qua đó dự án đã xây dựng được đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên là những nông dân, ngư dân, cán bộ phối hợp hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường của địa phương.
Chuyển biến nhỏ, ý nghĩa lớn
Ông Lê Nhương – trú thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh chia sẻ, các dự án bảo tồn đã giúp cải thiện đáng kể đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, thông qua mô hình chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, hợp tác xã điển hình về sản xuất hữu cơ (đạt tiêu chí về sinh kế và môi trường). Ở đây các hộ tham gia dự án được hưởng sản phẩm rau sạch đảm bảo sức khỏe cho gia đình, có thêm 3-4 triệu đồng hàng tháng từ bán sản phẩm, ngoài ra còn được đi tập huấn, học được kỹ thuật trồng trọt, canh tác rau hữu cơ.
Đánh giá cuối kỳ của dự án cho thấy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được thực hiện linh hoạt, kết hợp với các buổi sinh hoạt hội họp. Trong khảo sát, nghiên cứu thực địa, nhóm chuyên gia đã lồng ghép nội dung tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn và du lịch bền vững.
Mục tiêu bảo tồn bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước gắn liền với phát triển mô hình du lịch học tập cộng đồng để cải thiện sinh kế người dân được kiên trì theo đuổi.
Trong khi đó, mục tiêu nâng cao năng lực cộng đồng quản lý sử dụng tài nguyên, môi trường bền vững tại làng quê Cẩm Thanh đạt kết quả rõ nhất. Cộng đồng địa phương không chỉ nâng cao hiểu biết và trình độ canh tác, du lịch và các dịch vụ khác, mà còn hưởng lợi về thu nhập kinh tế rõ rệt.
Cộng đồng được xem là “lực lượng nòng cốt” trong công tác bảo tồn biển. Tại Núi Thành, nhiều ngư dân đã biết lo lắng trước tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và dần hình thành trách nhiệm bảo vệ môi trường biển.
“Dịch chuyển” từ cộng đồng
Hai năm trở lại đây, dọc theo bờ biển qua làng chài Hà Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành) xuất hiện một cơ sở dịch vụ du lịch, ẩm thực với màu sắc tươi mới. Cơ sở dịch vụ “Cá Voi Xanh” này nằm cạnh chợ cá trên bờ biển và đối diện với chỏm đá thường nhô lên khỏi mặt sóng – như một cách đánh dấu về khu vực rạn san hô có tên Bà Đậu theo cách gọi của người dân địa phương.
Ấn tượng đầu tiên là bờ biển tại cơ sở dịch vụ “Cá Voi Xanh” rất sạch sẽ. Thêm vào đó việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại chợ cá cũng mang tinh thần tự nguyện hơn, với phương pháp thu gom, xử lý rác bền vững hơn…
Đó là kết quả mà Võ Hồng Rôn (chủ cơ sở dịch vụ “Cá Voi Xanh”) chia sẻ rằng có thể thấy ngay được trong một kế hoạch dài hơi nhằm bảo tồn, bảo vệ môi trường biển ở địa phương. Rôn nói, việc thực hiện kế hoạch bước đầu rất thuận lợi bởi cộng đồng ngư dân địa phương đã có “nền tảng” về nhận thức bảo vệ rạn san hô, giữ môi trường biển để tái tạo nguồn lợi, vấn đề là phải tổ chức những hoạt động phù hợp. Hơn hai năm qua, từ một ngư dân ăn sóng nói gió, Rôn nghỉ biển, “lên bờ” với công việc đầu tiên là… dọn rác.
Rôn nói: “Bờ biển vùng bãi ngang này tàu thuyền rất đông, có nhiều dịch vụ phát sinh rác thải nhựa. Hơn nữa, qu nhiều năm nên việc dọn rác gần như là không xuể”.
Nhưng với quan niệm, thêm một người dọn rác sẽ bớt đi một người xả rác, dần dà Rôn đã “xoay chuyển được tình thế” khi mỗi ngày, trên bãi biển rác lại bớt đi một ít, có nhiều người cùng dọn rác hơn, việc sử dụng và thu gom túi ny lon của cộng đồng địa phương hợp lý hơn… Sau khi có được kết quả bước đầu này, Rôn lại bắt tay vào “công việc” mới, đó là tuyên truyền và cùng cộng đồng ngư dân triển khai các hoạt động bảo vệ rạn san hô, bảo vệ nguồn lợi ven bờ.
Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến) ra đời vào cuối tháng 10/2022, hiện có 42 thành viên với mục tiêu bảo tồn rạn san hô, phát triển sinh kế cho cộng đồng ngư dân địa phương và được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD). Những ngày này, tổ cộng đồng đang triển khai thả phao khoanh vùng 64ha mặt biển trong khu vực rạn Bà Đậu và vừa thả hàng chục nghìn con giống để tái tạo nguồn lợi.
Xây dựng “lực lượng nòng cốt”
Tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành), trước đây có một tổ chức tài trợ dự án bảo tồn biển, nhưng sau vài năm triển khai khi nhà tài trợ giao lại cho cộng đồng quản lý thì lập tức nhiều ngư dân đã quay lại tập quán đánh bắt cũ.
Ông Trần Minh Vũ – ngư dân thôn Thuận An, xã Tam Hải cho rằng, nghề lặn ở Tam Hải nếu khai thác kiểu truyền thống thì hạn chế nguy cơ xâm hại môi trường biển và bớt tận diệt nguồn lợi. Nhưng giờ đây nhiều người đã lén lút sử dụng súng điện có xuất xứ từ Trung Quốc, trước sự thờ ơ của cộng đồng ngư dân địa phương. Sự cố kết cộng đồng ở đây đã “gãy đổ” do yêu cầu bức thiết của kế mưu sinh, khiến những nỗ lực bảo tồn đã từng triển khai ở địa phương tan như bọt sóng.
Ông Nguyễn Xuân Uy – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản rạn Bà Đậu cho biết, tại vùng rạn Bà Đậu, trong khu vực được cấp thẩm quyền giao cho tổ cộng đồng quản lý, các hộ muốn tham gia khai thác thủy sản và du lịch phải là thành viên, có đơn đăng ký với tổ cộng đồng.
Những cá nhân không phải là thành viên của tổ cộng đồng muốn khai thác thì phải tuân thủ theo phương án của tổ cộng đồng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức trực canh 24/24 giờ tại khu vực được giao thực hiện đồng quản lý để giám sát quá trình khai thác thủy sản, nhất là giám sát ngư dân ngoài địa phương vào khu vực quản lý để khai thác trái phép.
Ông Lê Văn Hiệp – Phó Phòng NN&PT-NT huyện Núi Thành thông tin, kế hoạch bảo tồn biển của địa phương là sẽ triển khai tại 3 xã bãi ngang Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải. Hiện Tam Tiến đã thành lập tổ cộng đồng, còn lại Tam Hải, Sở KH&CN đang phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang xây dựng đề án bảo tồn khu vực biển Tam Hải – Bàn Than. Hy vọng những hoạt động này sẽ lan tỏa tinh thần tự nguyện bảo vệ môi trường biển của cộng đồng để có thể nhân rộng trong thời gian tới.
Đồng quản lý tài nguyên trong đó lấy người dân làm chủ thể chính là một khái niệm còn tương đối mới mẻ nhưng có cơ sở và triển vọng nhân rộng.
Mô hình tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương là mô hình đầu tiên trên cả nước trong đó Nhà nước bàn giao 19km² diện tích mặt nước và nguồn tài nguyên liên quan để cộng đồng tự tổ chức quản lý, khai thác, phát triển. Ở đây người dân tham gia tự nguyện, chỉ có một ít phụ cấp đi biển để tham gia cùng lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác trái phép trong phạm vi tiểu khu.
Ông Nguyễn Duy Khanh – một thành viên trong tổ khai thác cua đá Cù Lao Chàm chia sẻ, trong khoảng 3 năm (ở thời điểm chưa có dịch COVID-19) tổ đã phối hợp tuần tra thu hồi hơn 1.000 con cua đá bị khai thác trái phép hoặc không đủ kích thước và trả về tự nhiên. Khai thác có trách nhiệm với số lượng giới hạn nhưng thu nhập của mọi người tăng lên thay vì bấp bênh như trước năm 2013. Nhờ vào mô hình đồng quản lý, đời sống đại bộ phận người dân địa phương đã khấm khá hơn.
Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Bản Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói: “Có thể xem người dân ở thôn Bãi Hương là những cộng tác viên đắc lực của khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Hệ sinh thái biển ở Bãi Hương hiện được coi là “cái nôi” sản sinh, phục hồi nhiều loài cá ở ngư trường Cù Lao Chàm trước đây bị suy thoái nghiêm trọng. Đơn vị cũng đã có kế hoạch nhân rộng mô hình này tại thôn Bãi Ông nhưng chưa có nguồn lực để thực hiện”.
Các chuyên gia về bảo tồn biển nhận định, thời gian đạt được sự đồng thuận bảo tồn, nếu bắt đầu từ kinh nghiệm của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An sẽ được rút ngắn còn lại từ từ 3-5 năm thay vì phải mất 8-10 năm. Lý do là bởi trong quá trình xây dựng và phát triển vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thời gian tìm kiếm, nghiên cứu cho các phương pháp tiếp cận, giáo dục, truyền thông cộng đồng rất dài, có thể chiếm đến 50% tổng số thời gian đạt được sự đồng thuận cao.
Ông Lê Vĩnh Thuận – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, chưa có công trình nghiên cứu khoa học cụ thể về đường di cư, sinh sản của các loài nhưng ở Tam Tiến – Tam Hải (Núi Thành) có tôm hùm nhí còn Cù Lao Chàm không có và ngược lại ở Cù Lao Chàm có tôm hùm lớn nhưng Tam Tiến – Tam Hải lại không có.
Qua các buổi đối thoại do Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức ở một số khu vực bãi ngang của huyện Thăng Bình, Tam Hải – Tam Tiến (Núi Thành) thì ghi nhận mong muốn của cư dân về thành lập mô hình đồng quản lý tương tự như tiểu khu Bãi Hương (Cù Lao Chàm) để bảo tồn và tài nguyên biển.
Theo TS. Chu Mạnh Trinh, giao quyền quản lý hệ sinh thái cho cộng đồng thực chất là kế hoạch bảo tồn và sự tham gia của người dân địa phương vào quy hoạch bảo tồn hướng đến nâng cao chất lượng sức khỏe hệ sinh thái tự nhiên và năng lực cộng đồng.
Nguồn: //baoquangnam.vn/emagazine-cong-dong-cung-bao-ton-bien-3043541.html
Có thể bạn quan tâm:
Xe Taxi Chu Lai – Núi Thành
Nhà XeChu Lai Núi Thành – Đà Nẵng:
Tin Tức Núi Thành: