Bán Hồn Quê Để Giữ Lấy Hồn Quê

“Khách tìm đến tôi để đem về những bức ảnh nghệ thuật, thỏa được niềm đam mê cái đẹp của họ. Còn tôi, nói là bán nhưng chẳng phải mất gì. Ngược lại, tôi tạo điều kiện cho người dân địa phương kiếm thêm thu nhập và góp phần quảng bá hình ảnh của quê hương…”

Về với làng chài Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, không ai không biết đến Võ Hồng Rôn_người khởi xướng mô hình du lịch cộng đồng cho quê hương trong những năm gần đây.

Trở về sau những tháng ngày bươn chải làm ăn xa, anh Rôn cảm nhận được vẻ đẹp và sự bình yên của quê hương, vốn chẳng nơi nào có được. Nhớ lại khoảng thời gian từng làm việc tại thành phố du lịch Vũng Tàu, anh có cơ hội tìm hiểu và biết được xu hướng du lịch trải nghiệm đang rất thịnh hành.Tam Tiến quê anh tuy không giàu đẹp bằng thành phố Vũng Tàu, nhưng theo anh Rôn, làng chài này lại may mắn có vô vàn những điều thú vị: chợ cá Tam tiến, bãi biển thơ mộng, con người hiền hòa mến khách với văn hóa làng biển,… tất cả đều là tiềm năng quý giá để có thể làm du lịch.

Chân dung Võ Hồng Rôn_người khởi xướng mô hình du lịch cộng đồng cho quê hương Tam Tiến

Ấp ủ giấc mơ biến làng chài này thành điểm đến du lịch, anh Rôn bắt tay vào việc cải tạo môi trường dọc bờ biển, vận động bà con thu gom hàng tấn rác mỗi ngày. Dần dần, các mô hình homestay, lều nghỉ dưỡng, nhà hàng và các dịch vụ trải nghiệm cũng được mọc lên, khách du lịch đến đây ngày một nhiều hơn.

Nhớ lại những ngày mới bắt đầu, chàng trai với nước da đen nhẻm Võ Hồng Rôn nở nụ cười rạng rỡ kể rằng: “Tôi không có vốn nhiều, tôi trình bày ý tưởng của mình và may mắn được bà con xung quanh ủng hộ. Họ tin tưởng giao những ngôi nhà cũ để tôi cải tạo làm homestay thay vì bỏ không. Khách du lịch tới đây trải nghiệm, bà con có thêm thu nhập, ai nấy cũng đều phấn khởi”.

Trong tất thảy các dịch vụ đang có, anh Rôn tâm đắc nhất với mô hình dắt tour du khách đi chụp hình. Khách hàng của anh thường là những nhiếp ảnh gia, những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Họ yêu cái “hồn quê”_nơi vùng biển nắng gió này; Họ cảm nhận được cái đẹp trong đời sống lao động thường ngày của người dân miền biển và sẵn sàng trả tiền để được bắt trọn những khoảnh khắc đó. Còn các ngư dân, sau khi trở về từ biển khơi, họ sẽ nán lại thêm một chút ở bãi biển để làm “diễn viên”, diễn lại các hoạt động đánh lưới của mình để khách hàng chụp hình.

Nhiều du khách tìm đến đây để được săn những bức ảnh đẹp

Ánh mắt chất chứa đầy những hoài bão, anh Rôn chia sẻ: “Tôi cũng đam mê chụp ảnh nên tôi hiểu được những nhiếp ảnh gia cần gì. Tôi muốn xây dựng một tour săn ảnh bài bản, không chỉ cảnh ngư dân đánh lưới nữa, mà còn bao gồm tất cả hoạt động đời sống của người làng chài, gồm làm mắm, đan thúng, giếng cỗ, đánh lưới, kéo rớ… Tour dự kiến 2 ngày 2 đêm để khách không chỉ tới chụp hình mà còn có thời gian tận hưởng dịch vụ, cảnh đẹp và trải nghiệm về Tam Tiến quê tôi”.

Hình ảnh chợ cá quê hương Tam Tiến được chụp bởi thanh niên Võ Hồng Rôn

Tìm mọi cách để đưa du lịch địa phương đổi mới và phát triển, nhưng mặt khác, anh Rôn lại e sợ rằng bản sắc văn hóa vùng biển sẽ mất đi khi làng chài thật sự có điều kiện hội nhập. Vì thế, anh luôn trăn trở tìm các giải pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ được “hồn” quê hương. Với mô hình dắt tour chụp hình này, mặc dù không mới nhưng nó luôn được anh Rôn chú trọng, bởi nó đáp ứng được cả hai tiêu chí anh đề ra.

Hình ảnh nét đẹp lao động tại bãi biển Tam Tiến được du khách chụp

Lợi nhuận từ việc “bán” vẻ đẹp quê hương thông qua các mô hình du lịch trải nghiệm đã được anh Rôn chia đều để cải thiện sinh kế cho bà con. Ngoài ra, anh còn trích lại một phần trong đó để đóng góp cho việc bảo vệ môi trường_giữ lấy vẻ đẹp hoang dã cho địa phương.

Nhìn quê hương được phát triển từng ngày là niềm phấn khởi không chỉ của riêng ai. Nhưng với riêng chàng thanh niên Võ Hồng Rôn, đây còn là động lực sống, là lý tưởng lớn lao mà anh theo đuổi mỗi ngày.

Theo: Thanh Truyền – //nguoivietnam.news/ban-hon-que-de-giu-lay-hon-que/